Tất cả những cống hiến, hy sinh của họ đã hòa thành bản anh hùng ca, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Họ xứng đáng đại diện cho một thế hệ trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ (Hình ảnh đã được phục dựng)
Phan Đình Giót sinh năm 1922, quê ở thôn Vĩnh Yên, xã Tam Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình Giót rất nghèo. Giót phải sống cuộc đời đi ở, làm thuê từ năm 13 tuổi. Cách mạng Tháng Tám thành công, Phan Đình Giót tham gia tự vệ chiến đấu, đến năm 1950, anh xung phong vào bộ đội.
Đồng chí Tô Vĩnh Diện (1924-1954) là người anh hùng của lực lượng pháo cao xạ đầu tiên ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ, được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi hy sinh, đồng chí là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37mm thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn phòng không 367.
Trần Can sinh năm 1931 tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, anh đã rất thích đi bộ đội để được cầm súng giết giặc, cứu nước. Lớn lên, ba lần anh xung phong tình nguyện nhập ngũ nhưng vì sức khỏe yếu, các đơn vị bộ đội đều từ chối, mãi đến lần thứ tư anh mới được chấp nhận.
Bế Văn Đàn sinh năm 1931, là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, chú hoạt động cách mạng bị giặc Pháp bắt và giết hại, anh phải đi ở cho địa chủ từ nhỏ. Sau 5 năm đi ở, anh trốn về ở với dì và tham gia du kích.